Sán lá đơn gây bệnh trên cá nước ngọt

Sán lá đơn gây bệnh trên cá nước ngọt

ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Thủy Sản, Đại Học Cần Thơ

 trabasa218

Ký sinh trùng là một trong những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ở động vật thủy sản, đặc biệt là gây bệnh trên cá. Trong số đó, giống sán lá đơn chủ 16 móc Dactylogyrus và sán lá 18 móc Gyrodactylus thường ký sinh phổ biến trên cá ương nuôi và cá sống trong môi trường tự nhiên ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khi sán lá ký sinh với mức độ nhiễm cao sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cá, thậm chí có thể gây chết cá. Vì vậy, muốn xác định tác nhân sán lá gây bệnh cá thì người nuôi cá cần phải biết hình thái, dấu hiệu bệnh lý, vòng đời, tác hại, mùa vụ xuất hiện bệnh cũng như biện pháp phòng bệnh thích hợp để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Hình thái
Sán có dạng dẹp, màu trắng nhạt, chiều dài cơ thể dao động từ 0,4-1,0 mm tùy theo giống loài. Cơ thể gồm có phần đầu chia làm 4 thùy và có 4 tuyến đầu, riêng sán lá 16 móc Dactylogyrus có 4 điểm đen ở phần đầu gọi là 4 điểm mắt. Cơ thể của sán Gyrodactylus nhỏ và linh hoạt hơn sán Dactylogyrus. Phần sau cơ thể là đĩa bám gồm 2 móc lớn ở giữa, 14 hoặc 16 móc nhỏ xung quanh. Dựa vào số lượng móc mà sán có tên gọi là sán 16 móc hoặc sán 18 móc.

Dấu hiệu bệnh lý
Sán ký sinh chủ yếu trên da, vây và mang của cá. Chúng dùng các móc ở đĩa bám để bám vào ký chủ và tổ chức tuyến đầu của sán tiết ra men hialuronidaza phá hoại tế bào da, mang cá làm tiết nhiều dịch nhờn màu trắng đục cản trở hoạt động hô hấp của cá. Theo Bayer (1977) cá khỏe có khối lượng 1,2g bị nhiễm Gyrodactylus có thể bị giảm khối lượng xuống 0,5g, đồng thời lượng bạch cầu tăng và lượng hồng cầu giảm. Vùng da, mang bị sán ký sinh có hiện tượng viêm loét dễ dàng cho vi khuẩn, nấm, một số sinh vật khác xâm nhập và gây bệnh. Trường hợp nhiễm nặng các tổ chức tế bào sưng to, xương nấp mang cũng phồng lên, cơ thể thiếu máu dẫn đến gầy yếu, bơi lội chậm chạp. Cá ít hoạt động, nằm ở đáy ao hoặc nổi lên mặt nước đớp không khí, thậm chí mất dần khả năng vận động và bơi ngửa bụng.

Chu kỳ phát triển của sán
Sán lá đơn chủ có chu kỳ phát triển trực tiếp trên cơ thể cá. Sán Dactylogyrus đẻ trứng, trứng có thể chìm xuống đáy ao hay bám vào cây cỏ thủy sinh trong nước, đến ngày thứ 4 trứng nở cho ấu trùng sống tự do và nhanh chóng tìm kiếm ký chủ tiếp tục đời sống ký sinh, đến ngày thứ 10 phát triển thành sán trưởng thành và tham gia sinh sản. Thời tiết ấm tốc độ đẻ trứng càng nhanh. Sán Gyrodactylus đẻ con, trong cơ thể sán có thể chứa 2-3 bào thai, mỗi bào thai chứa 1 sán có hình dạng giống sán trưởng thành còn gọi là “thai trong thai” hay “tam đại trùng”, khi sán con chui ra khỏi cơ thể sán mẹ thì sán tiếp tục ký sinh trên cá và gây hại tương tự như sán trưởng thành. Vòng đời của sán Dactylogyrus là 19 ngày và sán Gyrodactylus là 13 ngày.

Tác hại
Sán Dactylogyrus Gyrodactylus có tính đặc hữu rất cao, thường mỗi loài sán chỉ ký sinh trên một loài cá (mỗi giống sán có nhiều loài và mỗi loài chỉ ký sinh trên một loài cá nào đó). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy cả hai giống sán lá này (có rất nhiều loài) ký sinh trên nhiều loài cá nuôi và cá ngoài tự nhiên trong môi trường nước ngọt như cá tra, basa, chép, he, mè vinh, rô phi, … ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt trong ương nuôi cá tra, sán gây bệnh nghiêm trọng cho cá hương và cá giống 3-5cm với tỉ lệ nhiễm 100% và cường độ nhiễm là >70 sán/cá (Bùi Quang Tề, 2001). Theo Nguyễn Thị Thu Hằng và ctv (2007, 2009, 2010) thì kết quả phân tích cho biết cá giống ương nuôi ở ao/bè tỉ lệ nhiễm sán Dactylogyrus Gyrodactylus cũng rất cao từ 50-80%. Không có sự khác biệt lớn về cường độ nhiễm trung bình của nhóm cá >200g (36,8 sán/cung mang) và nhóm cá <200g (22,24 sán/cung mang), điều này cho thấy sán lá ngoại ký sinh không chỉ phụ thuộc vào kích cỡ cá mà còn phụ thuộc vào mật độ ương nuôi và điều kiện môi trường nước. Kết quả điều tra (2009) cho biết vào những tháng mưa nhiều tỉ lệ nhiễm sán lá 93,8%, sán sinh sản và lây nhiễm rất nhanh làm cá thịt gầy yếu, giảm trọng lượng và gây chết hàng loạt cá giống. Nhìn chung sán 16 móc và sán 18 móc gây tác hại lớn trên cá nuôi đặc biệt là trong sản xuất và ương nuôi cá giống.

Mùa vụ xuất hiện bệnh
Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và lây nhiễm nhanh trong các ao nuôi mật độ dày, điều kiện môi trường dơ bẩn. Nhiệt độ nước thích hợp cho sán phát triển và gây bệnh từ 22-28oC.

Phương pháp phòng bệnh do sán lá đơn chủ

Để tránh lây nhiễm sán lá Dactylogyrus Gyrodactylus trong ao ương nuôi cá, chúng ta cần phải áp dụng theo một số biện pháp sau:

– Khử trùng bể ương hoặc ao nuôi trước khi thả cá, phơi nền đáy ao 2-3 ngày thì bón vôi với liều lượng 3-4 kg/100m3 (tùy theo vùng nuôi). Có thể dùng những chất khử trùng khác để xử lý mà không cần phơi nền đáy.

– Khử trùng nước ao nuôi bằng một số hóa chất như BKC (1L/1.500m3); KMnO4 (Loại 1: 1L/2.000-2.500m3; Loại 2: 1L/1.500-2.000m3); Iodine (dạng thành phẩm – sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

– Không thả nuôi cá với mật độ quá dày nhằm tránh sán lây nhiễm và gây bệnh. Nên luân phiên nuôi các loài cá khác nhau. Định kỳ thay nước và bón vôi CaCO3 với liều lượng 1-2 kg/100m3 nước.

– Kiểm tra ký sinh trùng trên da, vây, mang cá giống (30 con) trước khi thả nuôi. Có thể dùng KMnO4 10-20mg/L tắm cá giống trong 15-30 phút, NaCl 2-3% tắm trong 5 phút hoặc formol 100-150mg/L tắm trong 30-60 phút trước khi thả.

– Khi cá bị nhiễm bệnh có thể dùng một số loại hóa chất để trị cho cá như formol với liều lượng 40-50mg/L, KMnO4 với liều lượng 0.5-1mg/L hoặc H2O2 100-150mg/L. Thay nước cho cá và xử lý hóa chất một lần nữa nếu cá chưa hết bệnh hẳn.

Về tập đoàn hoá chất VMC GROUP

Chúng tôi chuyên phân phối các loại hoá chất công nghiệp, dung môi công nghiệp,hương liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cồn khô, cồn thạch,hoá chất tẩy rửa - vệ sinh, hoá chất thuỷ sản....

Quý khách có nhu cầu mua hàng hoặc cần tư vấn cách dùng vui lòng liên hệ chi nhánh gần nhất của VMC GROUP ở cuối website

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *